“Thần long giáng oai”
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, lão đại võ sư Võ Kiểu (trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chưởng môn đời thứ chín Võ Rồng – Lạc Long Môn, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung) đã nói nhiều về trang sử vẻ vang của võ phái mình. Sau khi Tổ sư Võ Mận khai lập môn phái từ năm 1610 ở xứ Đoài (miền Bắc) đến đời chưởng môn thứ tư là Đoàn Tấn Lộc (năm 1741) – một danh tướng dưới triều Tây Sơn đã đưa Tổ đường lên chùa Đại Lãnh núi Thổ Sơn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mai danh ẩn tích chờ ngày phục dựng đại phái Võ Rồng.
Một số chiêu thức võ thuật võ sư Võ Kiểu thị phạm.
Chính từ đây, những hoạt động võ thuật bí mật được diễn ra suốt mấy trăm năm để rồi chính thức giương danh dưới đời chưởng môn thứ tám Ngô Văn Địch (năm 1960). Suốt thời gian trên, võ phái Lạc Long Môn đã cùng nhiều võ phái khác ở khắp Trung kỳ trải qua bao biến cố thăng trầm, đào tạo nên hàng nghìn môn sinh, giữ gìn và phát triển nền võ học cổ truyền Việt Nam.
Ông kể cho chúng tôi về một trong những trận đánh thi triển võ thuật nổi tiếng bậc nhất khu vực miền Trung, miền Nam. Đó là giải thi đấu đối kháng của tứ hùng bốn tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Thừa Thiên -Huế diễn ra tại cố đô Huế năm 1973 do Liên đoàn Quyền thuật miền Trung phối hợp tổ chức. Theo lão võ sư Võ Kiểu thì võ thuật cổ truyền xưa rất chú trọng đối kháng, mỗi võ sỹ với một chiêu thức, biệt tài riêng, linh động chiến đấu, giành chiến thắng.
Lúc bấy giờ, võ sỹ “độc cô cầu bại” Chế Bồng Linh (người gốc Chăm) thuộc làng võ Khánh Hòa nổi lên là một đệ nhất với thế võ độc đáo “Thần Long giáng oai” cực mạnh, cực độc. Trận chung kết diễn ra giữa Chế Bồng Linh với Nguyễn Thanh Yến là môn sinh chân truyền của Võ Rồng – Lạc Long Môn. Võ sư Kiểu cho hay: “Thanh Yến lúc bấy giờ là kỳ vọng lớn của võ phái, là một võ sỹ tài năng kiệt xuất. Sau hồi trống dài dồn dập, khí thế ngất trời bởi tiếng reo hò của khán giả, hai võ sỹ lên lôi đài dưới sự điều khiển của cố võ sư “Hùm xám” Hà Trọng Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Thế trận nhanh chóng được đẩy lên cao độ ngay hiệp 1, những chiêu thức thăm dò thực lực nhanh chóng được hai võ sĩ thi triển vờn nhau. Ở dưới khán đài, nhiều khán giả bắt đầu hô hét, yêu cầu những màn đôi công mạnh mẽ hơn. Vừa bước sang hiệp thứ 2, “độc cô cầu bại” Chế Bồng Linh liên tiếp xuất chiêu hiểm “Đả phát túc” quyền phong như gió táp, cước pháp tựa mây giăng, tấn bộ hoành xà, thế như vũ bão khiến lôi đài rung chao đảo. Những miếng đánh trúng vào các thanh gỗ, ván sàn lôi đài vang lên đôm đốp. Trong khi ấy, Thanh Yến đôi chút hoảng hốt liền ứng vội thế “Hổ bộ nghinh phong” quyền pháp luân lưu, vừa tránh né, vừa hóa giải những chiêu thức của Chế Bồng Linh.
Trống giục liên hồi, hiệp 3 được mở màn bằng một loạt đòn phủ đầu “Thần Long giáng oai” của võ sỹ Linh. Đây là chiêu độc sở trường của vị võ sỹ này, nên quyền pháp uy lực vô cùng lợi hại. Phía bên kia, Thanh Yến nhanh chóng tung chiêu khắc tinh “Lữ võng điếu ngư trì” mềm mại, uyển chuyển, từng bước bẻ gãy những pha “hổ vồ” của Bồng Linh làm chính võ sỹ này bàng hoàng sửng sốt, bởi xưa nay chưa từng ai hóa giải nổi đòn này. Trận đấu ngày một quyết liệt, khán giả reo hò không ngớt, bỗng im bặt bởi một tiếng thét thất thanh vang lên. Một thân hình lực lưỡng đổ ầm xuống lôi đài. “Độc cô cầu bại” Chế Bồng Linh đã trúng đòn hiểm thua cuộc”.
Một góc nhỏ lưu giữ những kỷ vật võ thuật của võ sư Võ Kiểu.
Ngoài câu chuyện long hổ quần hùng trên, theo lão võ sư Võ Kiểu, với những chiêu thức biến hóa tinh thông của võ phái, rất nhiều môn sinh thực sự đưa võ thuật lên một bước tiến mới. Ví như năm 1974, môn sinh Phạm Châu Sa (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với ngón độc “Bổng đã ba đào”, đã biến “Độc cước phục ma” của Xol Thy (võ sỹ gốc Thái Lan thuộc đoàn quyền thuật Cần Thơ) thành trò hề. Khi ấy, từ một ngón đòn vô cùng lợi hại, “Độc cước phục ma” bị “Bổng đã ba đào” làm cho trở nên rối loạn, phá sản, để rồi phải giơ tay xin hàng. Chức vô địch lại thuộc về Võ Rồng -Lạc Long Môn, danh tiếng võ phái ngày một rạng danh khắp nơi.
Lão già trị kẻ ngông cuồng
Dứt lời về những câu chuyện lôi đài, lão võ sư vẫn không quên nhắc nhở chúng tôi: “Ấy là thi đấu, là vì phát huy võ thuật chứ người học võ tuyệt nhiên không vô cớ mà đánh bậy bạ. Người theo nghiệp võ là để rèn luyện sức khỏe, rèn đức luyện tài, bảo vệ công bằng, giữ gìn bình yên cho làng quê lối xóm…”. Nhắc đến chuyện võ học hành hiệp giương danh đạo nghĩa, lão võ sư Võ Kiểu kể lại câu chuyện hơn 30 năm về trước.
Môn sinh võ phái Lạc Long Môn thị phạm võ thuật.
Năm 1981, tại bến đò chiều từ Hội An sang Châu Lâu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), vợ chồng chủ đò là anh Ba Mày rất hiền lành, tốt bụng, bữa đó khách lên đò chừng 20 người. Đò chuẩn bị cập bến Châu Lâu, anh Ba Mày vội vã đi thu tiền khách. Khi đến bên một thanh niên to con, mặt mày bặm trợn, gã này hất hàm lên giọng: “Bộ mày muốn nghỉ chuyến đò hay sao mà hỏi tiền thằng này?”. Người chủ đò tái xanh mặt mày, cố luồn qua đôi tay rắn chắc của gã thanh niên, nhưng không được. Khi ấy, một lão ông thấy chuyện bất bình mới hắng giọng: “Đi đò, đi xe mặc nhiên là khách phải trả cước phí, trừ khi người hết tiền thì phải xin hoặc thiếu chịu, sao chú lại có cách hành xử như vậy…”.
Nghe tiếng, gã thanh niên vứt anh lái đò sang một bên mạn đò, đưa mắt trợn trừng quát lão già: “A… thì ra lão này muốn ăn đòn thay. Được, chút lên đò, tao cho lão bài học”. Nghe gã thanh niên hăm dọa, lão già làm thinh, trong khi ấy mọi người lo lắng, ái ngại cho ông lão. Đò cập bến, mọi người hốt hoảng chạy nhanh lên bờ cúi nhìn ông lão từ từ bước lên, bộ dạng thần thái từ tốn trước mặt là gã thanh niên đang hùng hổ chặn ngang đường.
Ông lão vẫn điềm nhiên bước lên bến sông. Gã thanh niên giật ngay cây đòn gánh của một bà buôn xả đòn ngang xuống người lão già. Nhanh như cắt, lão lắc người tránh đòn rồi phản ngay ngón “Nghịch chỏ xuyên tâm” giáng thẳng vào lồng ngực kẻ ngông cuồng. Mọi người chưa kịp hiểu chuyện, gã thanh niên ngã sõng soài xuống nền đất, rên rỉ. Lão già vừa lên tiếng bảo mọi người tránh ra một chút kẻo gã thanh niên ngồi dậy sẽ đánh lung tung, thì gã này quỳ dậy van lạy: “Con ngông cuồng xin ông tha mạng, con không dám tái phạm…”. Hỏi ra thân thế, gã thanh niên cũng như nhiều người khách trên chuyến đò được một phen sửng sốt khi hay ông lão chính là võ sư hiệp nghĩa lẫy lừng Võ Kiểu, đang lên đò sang Vĩnh Điện để chỉ đạo lớp võ thuật do phòng Thể dục Thể thao huyện Điện Bàn tổ chức.
Trong dịp công tác trên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), lão võ sư Võ Kiểu hay tin, có một chiến sỹ công an nằng nặc đòi gặp mình bằng được. Bất ngờ thay, người chiến sỹ này chính là gã thanh niên bặm trợn năm nào. Nghe tin võ sư Kiểu lên đây, người này xin gặp nói lời cảm tạ: “Từ ngày thầy dạy bảo, con đã đồng tâm hướng thiện, rèn luyện võ thuật sức khỏe, nên được tuyển vào ngành công an, lập được nhiều thành tích…”. “Đằng sau những trận lôi đài, tỉ thế siêu quần ấy, bao giờ cũng ẩn chứa những giá trị đạo đức cao đẹp, những bài học ý vị về “tầm sư học đạo” chứ tuyệt nhiên không nề hà thua thắng, phân tranh cao thấp”, lão võ sư Võ Kiểu chia sẻ.
Phần thưởng danh giáTheo xác nhận của bà Lưu Thị Hiền Phương, Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), thì lão võ sư Võ Kiểu là người hết mình với sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hóa Việt, nhất là trong các hoạt động võ thuật. Võ sư đã nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương cao quý trong và ngoài nước. |
Nhâm Thân
Leave a Reply