Người Việt từng dũng cảm thách đấu với Lý Tiểu Long
Đã gần 40 năm trôi qua, và từng nghe ông khẳng định trên truyền hình về lời thách đấu với Lý Tiểu Long, tôi vẫn muốn hỏi ông: “Sau lời thách đấu tuôn ra vì tự ái dân tộc, thực sự ông có ngại nếu Lý Tiểu Long nhận lời không?”
Truyền thuyết về “liên hoàn bát cước”
Năm 1942, cậu bé Lý Kim Tuyền cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình giỏi võ nổi tiếng ở Vĩnh Long. 12 tuổi, Lý Kim Tuyền bái sư, học võ cổ truyền VN rồi luyện võ Thiếu Lâm, Quyền Anh.
Thầy dạy của ông đều là những võ sư danh tiếng như Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền. Là đệ tử ruột của võ sư Huỳnh Tiền, ngưỡng mộ thày mà lấy họ của thày làm tên, từ đó làng võ rồi sau này trong làng điện ảnh xuất hiện một nhân vật lừng lẫy: Lý Huỳnh. 17 tuổi, Lý Huỳnh bước lên võ đài đấu với võ sĩ Francois (đương kim vô địch võ thuật quân đội Pháp tại Việt Nam) và hạ knock- out tay đấm này ở hiệp thứ 3. Những trận so găng (sang tận Campuchia thi đấu, đặc biệt giai đoạn 1957- 1965 ông thượng đài 12 trận thì thắng 8 trận, hòa 3, thua 1) đã khiến tên tuổi Lý Huỳnh vang dội khắp lục tỉnh Nam bộ, biệt danh “con báo đen” cũng gắn với ông từ đó. Lý Huỳnh tự hào: “Lên võ đài, con báo lẹ hơn và dữ dằn hơn cọp”.
Bước vào phòng khách của gia đình NSUT Lý Huỳnh như vào xưởng phim tài liệu. Những khoảnh khắc thượng đài, nhiều vai diễn để đời, ảnh gia đình, được ông trân trọng lồng vào khung ảnh treo đặc kín hai bức tường. Câu chuyện của ông trở nên sinh động khi nó được minh họa trực tiếp bằng hình ảnh. Cứ nghĩ giá nghệ sĩ nào cũng như ông thì cánh phóng viên nhàn biết mấy!
Đã gần 40 năm trôi qua, và từng nghe ông khẳng định trên truyền hình về lời thách đấu với Lý Tiểu Long ngày nào, nhưng vẫn cứ một lần nữa băn khoăn trước ông: “Sau lời thách đấu tuôn ra vì tự ái dân tộc trước câu hỏi của võ sư Hàn Anh Kiệt, thực sự ông có ngại nếu Lý Tiểu Long nhận lời không?”.
Ông khoát tay: “Không ngại. Lời thách đấu đó của tôi từng được báo chí trong nước và Hồng Kông đưa tin. Nhưng tiếc là việc không thành vì năm đó Lý Tiểu Long đột ngột qua đời. Tôi đã kinh qua 12 trận rồi thì không có chuyện sợ hãi gì ở đây cả”.
Cũng trong năm đưa lời thách đấu với Lý Tiểu Long, Lý Huỳnh được mời đóng phimLiên hoàn bát cước ở Đài Loan. Trước 1975, điện ảnh đã chào đón ông với những phim võ thuật như Quái nữ việt quyền đảo, Máu kiếm rửa hận thù, 19 bậc thềm… Và trên phim thời đó, Lý Huỳnh cũng nổi tiếng vì nhiều lần đá thành công cú liên hoàn bát cước (tung người trên không và thực hiện 8 cú đá cùng lúc).
Lý Huỳnh bên bức ảnh thắng knock out võ sĩ Francois
Vệ sĩ, võ sĩ và nghệ sĩ
Khán giả bây giờ nhớ nhiều đến Lý Huỳnh ở vai trò nghệ sĩ, tiếp đó là võ sĩ nhưng ít người biết ông đã có thâm niên 10 năm làm vệ sĩ. Đó cũng là một công việc không xa lạ gì với người học võ. Trong nhà có bức ảnh vào năm 2006 Lý Huỳnh chụp kỷ niệm cùng ông Nguyễn Cao Kỳ (từng là Phó Tổng thống thời chính quyền cũ).
Trên báo Du lịch số ra kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975- 30/4/2008 đã trích đăng một phần hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ với nhan đề Cuộc họp báo đầu tiên, có đoạn: “Người đầu tiên tôi gặp tại sảnh khách sạn chính là Lý Huỳnh – vệ sỹ thân cận của tôi trước đây.
Tháng 4.1975 anh ở lại đất nước, sau đó đi đóng phim và trở nên nổi tiếng. Vợ chồng anh cầm bó hoa đứng đợi tôi ở tiền sảnh và hai chúng tôi ôm chầm nhau mừng mừng tủi tủi. Điều này làm tôi rất cảm động trong giây phút đầu tiên trở lại Sài Gòn”.
Thời gian cứ trôi đi, lịch sử cũng sang những trang mới, điều còn đọng lại sâu đậm là tình cảm giữa con người với con người. Lý Huỳnh không nói ra, nhưng bản chất người thượng võ là điềm tĩnh đi trên con đường xuyên suốt của sự hào hiệp, bộc trực.
Ông sống như có bao nhiêu nghị lực sống cần phải trải hết ra, mở ra để cháy đến mịn tàn tro. Sau bao nhiêu vai diễn phản diện (đại tá Hoàng- phim Cô Nhíp, đại úy Long- Mùa gió chướng, trung úy Săm- Hòn đất…), thì có thể gọi vai ông nông dân Hai Lúa (Vùng gió xoáy) là cuộc “thoát xác” của Lý Huỳnh cũng đúng, nhưng thực ra Hai Lúa cũng là bản chất trong con người ông, không lộ rõ nhưng đôi mắt tinh tường của đạo diễn Hồng Sến đã thấu thị.
Vệ sĩ, võ sĩ rồi nghệ sĩ, còn vai diễn nào ông vẫn thầm mong ước không? Ông nhấp một ngụm nước trông như thứ thuốc đặc biệt mà vợ ông chu đáo chuẩn bị từ sáng sớm: “Có được ông Hai Lúa ấy là bằng lòng rồi, giờ thì lo cho các con thôi. Nghệ sĩ là cuộc đời tự hào của tôi”.
Vệ sĩ của võ sư!
Ở đời, anh hùng cũng có lúc… sa cơ! Nhất là khi tuổi già xồng xộc đến, bệnh tật hỏi thăm. Nhưng võ sư Lý Huỳnh may mắn có một vệ sĩ thầm lặng phía sau. Bà Đoàn Thị Nguyên vào thời thiếu nữ cũng đã bái sư và theo học võ sư Huỳnh Tiền, tức là đồng môn với chàng trai trẻ Lý Huỳnh.
Bà nhớ lại: “Tôi học võ để tự vệ thôi, thỉnh thoảng cũng theo thày Huỳnh Tiền đi các nơi thách đấu”. Thời đỉnh cao trên võ đài, Lý Huỳnh cao trên thước bảy, nặng 70 kg, ông cười “cũng nhiều cô theo lắm” nhưng mối tình với sư muội Đoàn Thị Nguyên thì trọn vẹn tới nay trong cảnh đại gia đình sum vầy: 6 con và 9 cháu. Năm 2006, các phương pháp vượt qua bệnh tiểu đường của ông từng được đăng trên báo Tiền phong cuối tháng. Nhưng cũng phải kể công của bà nữa, ông khoe: “thím chăm cho chú nào thuốc nam, rồi chữa thêm nhân điện…”.
Tính bà vốn hay lo liệu trước sau, ngay cả khi chồng con lao vào làm phim cũng không thiếu bóng bà đứng sau: “Làm phim về võ thuật dễ xảy ra rủi ro, tai nạn cho nên quay tới đâu, tôi lại thắp nén nhang xin phép trời đất đến đó”.
Nói vui thì vai trò giám đốc sản xuất của bà là việc lo “giải quyết hậu quả”, các người hùng trên màn bạc đấm đá đến đâu, bà theo sau thu dọn “chiến trường” đến đấy, cực khổ còn hơn cả diễn viên hành động chính!
Cùng người “vệ sĩ” trọn đời
Bản thân từng học võ và xem chồng thượng đài đã quá đủ rồi, bà quyết không cho con cái so găng với ai: “Hát hò, đóng phim thì được chứ dứt khoát không lên đài đấu võ”.
Tất cả đều đúng ý nguyện của bà, băn khoăn muốn hỏi thêm ý nguyện về mẫu nàng dâu tương lai mà bà muốn Lý Hùng rước về ra mắt cha mẹ, bà không chút đắn đo: “Chỉ cần đó là cô gái hiền lành, biết lễ nghĩa với cha mẹ. Anh Huỳnh là con trai duy nhất, tôi về làm dâu nhà chồng xác định lo cho cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ của mình. Sống ở đời đúng là có nhân quả, nay con dâu cũng biết thương lại mình như vậy…”.
Lại thượng đài trên phim trường
NSUT Lý Huỳnh chốc chốc lại ngó ra cửa, ông chờ taxi đến đón đi chọn bối cảnh và tìm thêm lũ ngựa đạt chuẩn cho dự án làm phim nhựa về Hoàng đế Quang Trung.
Người đã một lần bước qua cửa tử như ông nay như trẻ và khỏe hơn, hào hứng với từng giây từng phút trở lại làm phim.
Ông kể: “Khi đi chọn cảnh ở Hóc Môn, chú phát hiện có ông chủ ngựa đang nuôi khoảng 100 con ngựa, con nào cũng cao từ 1,7- 1,8m, thế thì chạy sải dài mới đã chứ! Giống ngựa của ta thường bé quá, phi lóc lóc lên phim trông tội lắm! Còn voi thì phải lên Buôn Mê Thuột chọn, càng nhiều càng tốt… ”.Hãng phim Lý Huỳnh dự kiến sẽ trở lại làm phim vào cuối năm 2008, đây là phim đề tài lịch sử với số vốn đầu tư khoảng hơn 10 tỷ đồng. Tưởng tượng cảnh tái xuất ấy làm ông ngồi không yên, chạy đi chạy lại với điện thoại và hàng đống tài liệu.
Hôm gặp ông ở buổi chiếu ra mắt phim Vua Kungfu tại NH Hòa Bình chưa kịp hỏi, nay đành một lần nữa đề cập với võ sư Lý Huỳnh về nỗi sợ của người ngoại đạo: “Xem Thành Long, Lý Liên Kiệt giao đấu trong bộ phim của đạo diễn Mỹ đầu tư hơn 70 triệu USD như thế, phim võ thuật của mình bây giờ tính sao để khán giả chấp nhận đây, thưa chú?”.
Ông quay ra giọng hào sảng: “Lý Liên Kiệt và Thành Long ngoài đời đều là võ sư thật, lên phim có cả kỹ xảo trợ giúp nên đúng là võ thuật đỉnh cao đấy. Tôi xem cả Ngọa hổ tàng long, Anh hùng rồi, vấn đề cũng ở người chỉ đạo võ thuật hay.
Ông Viên Hòa Bình ấy, ông ta phải nghĩ ra các thế đánh, rồi bố trí cách quay sao cho hiệu quả nhất, cái này thì chỉ đạo võ thuật là người quyết định cắt cảnh chứ không phải ông đạo diễn.
Với con trai Lý Sơn (1968)
Lâu nay, người nước mình bước ra quốc tế thi bắn súng, thi võ thuật vẫn thường giành huy chương vàng. Rồi võ thuật mình đưa lên phim cũng là thứ võ tinh túy, nhưng mình lại thua về kỹ xảo. Mừng là phương tiện kỹ thuật và khâu kỹ xảo của ta hiện nay cũng tiến bộ hơn rồi”.
Võ Bình Định là một trong những trọng tâm mà NSUT Lý Huỳnh muốn đưa lên bộ phim về vua Quang Trung – người đã tiếp thu tinh hoa của nhiều dòng võ khác nhau để xây dựng dòng võ Tây Sơn.
Không tiết lộ chi tiết về kịch bản võ thuật trong phim nhưng Tổng đạo diễn kiêm chỉ đạo võ thuật Lý Huỳnh chắc chắn: “Sẽ là võ cổ truyền VN, Vovinam và do tái hiện cảnh quân Tây Sơn đánh quân Mãn Thanh nên phải sử dụng cả phái võ của Trung Quốc, ví như phái Châu Gia”.
Bảng phân vai ông đang dự kiến mời: Lý Hùng- vai Quang Trung, Diễm Hương – công chúa Ngọc Hân, Lý Hương – Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Thanh Tú- Nguyễn Lữ, NSND Thế Anh- Lê Chiêu Thống, NSND Đoàn Dũng- Tôn Sĩ Nghị, NSUT Lý Huỳnh – Nguyễn Nhạc…
Tham gia chỉ đạo võ thuật cho phim sẽ mời các võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Mai Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vang (Vovinam), Quốc Thịnh, Bùi Văn Hải (nhóm Cascadeur)…
Vậy là chỉ còn Quyền Anh, môn võ đã một thời gắn bó với Lý Huỳnh chưa có cơ hội được ông chỉ đạo trên phim. Ông trầm ngâm: “Bản chất của Quyền Anh là cận chiến, đối thủ đứng rất gần nhau nên rất gan dạ và kịch tích. Hay lắm! Đúng là đáng tiếc chưa có cơ hội áp dụng trên phim”. Nhưng cuộc sống còn tiếp tục thì còn có những trận “thượng đài” ở phía trước, và đó sẽ là những “vùng gió xoáy” chờ đợi Lý Huỳnh.
Theo Tiền Phong
Leave a Reply