Võ là gì ? và câu chuyện về người thợ mộc “võ thuật”
Lúc còn bé tôi thường nghe bạn bè mình nói những câu thế này: “Mày có võ không?”. “Ê nó có võ đó!”, “Tao sợ mấy đứa có võ lắm”.
Những câu nói dân dã ấy đuổi ký ức tôi đến tận ngày hôm nay.
Võ là gì mà sao người ta gọi là “có”? Một thứ gì đó để chúng ta sở hữu chăng?
Chắc chắn võ thuật không phải một thứ tài sản bình thường. Nó không nhìn thấy được, chạm vào được. Cái ta nhìn thấy là nhưng cú đá đường quyền, không phải trọn vẹn tất cả “võ thuật” trong đó – tôi thường nghĩ vậy và cảm thấy trong đôi mắt mình còn thiếu thiếu điều gì đó. Võ thuật cũng không chạm vào được – có chăng là ta chạm vào những vết bầm vì tự phang côn nhị khúc vào đầu hay té sấp mặt đập mũi vì tấn không vững vậy.
Từ “có” đó ám ảnh tôi cùng câu hỏi: “Võ thuật thực chất là cái gì?”
Tôi đem điều đó hỏi thầy tôi. Thầy đáp:
“Con biết cưa gỗ không?”
“Dạ con biết”
“Con biết sửa tivi không?”
“Dạ con không biết”
“Con biết cách cưa gỗ, con cưa được. Con không biết sửa TV, con không làm được. Võ thuật cũng vậy thôi. Con có võ trong người thì con tự vệ được, cứu người được, tu tâm dưỡng tánh được. Con không có võ thì không làm được. Võ, là kỹ năng.”
Kỹ năng… Đó chính là câu trả lời mà mãi sau này tôi mới hiểu.
Hồi tôi mười bảy tuổi, có người bạn hỏi tôi thế này:
“Mày tập võ làm gì? Bây giờ có người chém sau lưng mày, mày đỡ được không. Bây giờ có người chỉa súng vào đầu mày, mày làm được gì? Bây giờ bốn năm chục đứa đuổi đánh mày, mày làm được gì? Võ mày để làm gì?”
Tôi không trả lời – chính xác là không trả lời được. Anh bạn của tôi nói đúng mà! Tôi không làm được gì trong các tình huống đó, dù tôi có võ.
Tôi đem điều đó nói với thầy. Thầy tôi lúc đó đã già đi nhiều, nhưng cái kiểu đăm chiêu suy nghĩ vẫn không khác gì ngày xưa.
“Con là con nhà thợ mộc, con biết làm mộc đúng không?”
“Dạ đúng”
“Giờ bảo con đi đóng tàu thủy con làm được không?”
“Dạ… chắc không”
“Nhưng bây giờ nhà con có cái bàn gãy chân, con sẽ sửa được, đúng không?”
“Dạ đúng”
“Ừ. Võ thuật cũng vậy đó!”
Tôi im lặng. Tôi… không hiểu gì hết. Thấy tôi chưng hửng, thầy tiếp:
“Thầy từng nói với con, nói lâu rồi, võ thuật là kỹ năng, đúng không? Kỹ năng đỡ, kỹ năng đấm, kỹ năng ôm vật…”
“Dạ đúng.”
“Ừ, võ thuật là kỹ năng. Cũng như con là thợ mộc, con có kỹ năng mộc. Bảo con làm mộc con làm được, bảo con làm cơ khí thì làm sao con làm được? Võ thuật cũng có cái hạn chế của nó, như con nói đó, bị chém sau lưng, đứng trước họng súng, bị đánh hội đồng…”
“Vậy mình học võ để làm gì nữa chứ, có dùng được đâu?” – đến đây thì tôi thực sự bất bình
“Ai nói không dùng được?”
Tôi khựng người. Cái quái quỉ gì đây. Gần chục năm tôi học võ rốt cục là để rước về một đống kỹ năng vô dụng sao?
“Thầy nói con rồi đó. Đâu phải cả đời con chỉ gặp công việc cơ khí và đâu phải cả đời con chỉ toàn đụng tay vào gỗ. Cũng có lúc kỹ năng của con sẽ phục vụ con. Con có dám chắc là cả đời con toàn bị chém sau lưng, bị dí súng, bị hội đồng? Bây giờ có ai đó quẹt xe và cầm mũ bảo hiểm ném vào mặt con, con đỡ được. Bây giờ có ai đó cãi nhau với con và nổi nóng đập ghế lên đầu con, con tránh được. Đó là võ thuật. Đó là kỹ thuật của con, võ của con dùng được. Nếu như con chỉ vì những tình huống hi hữu mà mất niềm tin vào võ thuật, từ bỏ võ thuật, thì sau này có khi một thằng nhóc đạp vào bụng con cũng không tránh được.”
Tôi tỉnh ngộ. Trong gần chục năm kể từ hồi 7 tuổi tôi theo thầy học võ, cũng có vài lần tôi dụng võ thành công, tôi bảo vệ mình, tôi bảo vệ người khác! Trong người tôi có thứ kỹ năng, tôi “có” nó, đó là võ thuật.
Thầy chậm rãi “đệm” vào đầu tôi thêm một câu nữa:
“Hôm nay con thấy người ta sửa tivi mà bỏ thợ mộc, con thấy người ta chém sau lưng mà bỏ cách gạt đỡ những nắm đấm thường thấy nhất, sau này con sẽ còn đứng núi này trông núi nọ như thế nào nữa?”
………..
Câu chuyện tôi vừa kể xảy ra vào khoảng 10 năm kể từ ngày tôi luyện võ, và hôm nay tôi đã luyện võ được thêm 10 năm nữa. 10 năm tôi cố gắng trung thành với võ thuật. 10 năm đó, tôi cũng đã có một hai lần nằm dưới trận mưa đạp – xui xẻo thôi, gã công tử trong huyện tán tỉnh người yêu tôi, chuyện sau đó thì có lẽ tôi không cần phải kể nữa. Cũng có lần tôi phải bỏ chạy vì bảy tám người cầm dao rựa tìm tôi – vài chuyện hiểu lầm trên bàn nhậu của người khác.
Vẫn có người hỏi “Mày tập võ làm gì để rồi bị đánh hội đồng, rồi phải chạy như thế?”
Tôi cười, không đáp. Họ đâu có biết bao nhiêu lần (tôi không đếm được) tôi khống chế những kẻ hung hãn tấn công tôi sau khi va quẹt xe cộ, vài kẻ khác từng trộm chiếc xe tôi để trước hiên, can ngăn được hai người anh em họ sắp sửa nện nhau vì tranh chấp thừa kế, và cả chục câu chuyện đời thường khác nữa.
Cho đến hôm nay, tôi chưa một lần hối hận vì học võ, vì mang trong người thứ kỹ năng mang tên “võ thuật”.
Hồ Võ – phỏng lại theo lời độc giả.
Leave a Reply