Thanh gươm Samurai – Biểu tượng của tinh thần thượng võ của các Samurai người Nhật
Đối với một Samurai Nhật Bản, thanh gươm võ sỹ đạo được xem như là một tài sản quý giá nhất, và thậm chí là một phần cơ thể của họ.
Hiện nay Samurai không còn là từ thường xuyên được người Nhật Bản nhắc đến, thanh kiếm Samurai vì thế mà cũng ít xuất hiện trong cuộc sống của người dân xứ sở hoa anh đào hơn, nhưng vẫn có những người bản xứ vì đam mê giá trị văn hóa dân tộc mà sưu tầm những thanh kiếm quý.
Dân ngoại quốc, đặc biệt là dân Mỹ cũng rất chuộng kiếm Samurai mà không ngần ngại bỏ ra vài nghìn USD để mang về một thanh kiếm tuyệt hảo. Thanh kiếm Samurai hiện nay chỉ mang ý nghĩa lịch sử. Người ta tìm kiếm những thanh kiếm cổ, hoặc giả là những thanh kiếm mới nhưng có trang trí nghệ thuật đặc sắc để hoàn thiện bộ sưu tập của mình.
Nhật Bản có lịch sử phát triển hàng ngàn năm. Nhiều người cho rằng người Nhật mang trong mình dòng máu Mông Cổ pha trộn với nhiều nhóm người di cư đến từ đại lục. Một số khác thì cho rằng tổ tiên của người Nhật là người Cap-ca-dơ mà những người còn sống hiện nay ở Hô-cai-đô là những hậu duệ.
Chiến tranh giữ vai trò quyết định trong lịch sử phát triển của xã hội Nhật Bản. Sự thay đổi và hình thành giai cấp ở nước Nhật thời phong kiến chịu chi phối bởi các cuộc chiến tranh cát cứ giữa các thị tộc nhằm tranh giành đất đai, vì trên lãnh thổ nước này chỉ có 20% diện tích đất phù hợp với canh tác nông nghiệp. Chính những cuộc chiến đó đã sản sinh ra khái niệm Samurai (tạm gọi là võ sỹ).
Khái niệm này lần đầu xuất hiện vào thời Kamakura (1185 – 1333), để chỉ một đẳng cấp cao trong tầng lớp thống trị phong kiến. Sau này từ Samurai được dùng để chỉ tất cả các chiến binh Nhật.
Tuy nhiên ở thời đó, Samurai chỉ để gọi tên một số người, như một đẳng cấp cao quý. Người ta cho rằng Kamakura là thời đại nổi tiếng về lòng trung thành, ý chí quật cường, sự liêm khiết và lòng sùng bái tinh thần thượng võ của các võ sỹ cũng như cư dân xứ sở Anh đào. Thời kỳ đầu, các Samurai tập trung nghiên cứu cung thuật.
Trải qua chiến trận, các chiến sĩ Samurai ngày càng trở nên tinh thông bộ binh và kỵ binh, quyền thuật và thương thuật. Họ chỉ dùng gươm khi đánh giáp lá cà và để lấy thủ cấp của đối phương chiến bại. Nhưng vào cuối thế kỉ XIII, những trận đánh với quân Mông Cổ đã khiến các Samurai phải thay đổi chiến pháp. Họ bắt đầu sử dụng gươm nhiều nhiều hơn, cũng như tận dụng các mũi nhọn và lưỡi gươm một cách hiệu quả. Các Samurai cũng chuyển từ chiến đấu trên mình ngựa sang tác chiến dưới mặt đất.Một Samurai thường sử dụng 2 thanh gươm (daito – katana): một chiếc dài, một chiếc ngắn. Chiếc dài (daito) khoảng 0,85m, chiếc ngắn (shoto-katana) khoảng từ 0,42m đến 0,85m. Họ tìm mọi cách dùng gươm chặt gãy chân ngựa của kỵ binh Mông Cổ.
Các võ sỹ thường đặt tên cho thanh gươm của mình. Họ coi đó là biểu tượng của tinh thần võ sỹ đạo của chính bản thân và dòng họ. Vì ý nghĩa thiêng liêng như vậy mà trước khi sử dụng kiếm, các Samurai thường làm nghi lễ thờ cúng trình thanh gươm lên trước các thần Shinto (theo quan niệm của Thần đạo Nhật Bản), đặt tên cho gươm và cầu mong điều may mắn.
Để thể hiện lòng trung thành và tinh thần quả cảm, các chiến binh Samurai thường dùng gươm mổ bụng để tự sát khi thất trận. Các chiến binh Nhật cho rằng thất bại là một điều sỉ nhục lớn nhất cho bản thân, dòng họ, môn phái và dân tộc mình nên vết nhơ đó chỉ có thể lấy cái chết mới gột rửa được.
Những thanh gươm cổ xưa nhất được làm “nhái” theo kiểu gươm Trung Quốc và Triều Tiên, có dáng thẳng lưỡi kép. Sau này vì đòi hỏi độ sắc bén và khả năng sát thương cao trong chiến trận, các Samurai đã sáng tạo ra kiểu gươm cong, lưỡi đơn đặc thù cho gươm Nhật Bản mà chúng ta thấy ngày nay. Kiểu gươm này có phần đầu làm bằng hỗn hợp sắt và cacbon.
Qua tôi luyện thủ công, những thanh gươm tốt nhất thế giới đã được ra đời chỉ bằng các phương tiện giản đơn như nước, lửa, đe và búa. Sau khi hoàn thành tôi luyện phần lưỡi, người thợ làm nốt những công đoạn còn lại như đốc gươm và đánh bóng làm đẹp. Tiếp theo, gươm sẽ được trải qua thử nghiệm bằng cách chặt đứt trực tiếp các thi hài chết hoặc các tử tù. Kết quả đánh giá gươm được người thợ rèn ghi trên phần Nakago (mẩu thép gắn kết lưỡi gươm và đốc gươm).
Các loại gươm Nhật theo dòng lịch sử
Theo cấu trúc và hình dáng có thể chia gươm Nhật thành hai loại: Gươm thẳng lưỡi kép và gươm cong lưỡi đơn. Theo thời gian, thanh gươm võ sỹ đạo có 4 loại:
1. Gươm Nhật thời cổ đại (Chokuto hay Ken – trước thế kỷ IX)
Những thanh gươm cổ nhất ở Nhật Bản được tìm thấy trong các lăng mộ có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Những năm gần đây, thanh gươm cổ nhất được phát hiện có tên là Jokogatana, nghĩa là “Sư tổ kiếm” (thanh kiếm của một vị sư tổ). Chủ yếu các thanh gươm do thợ rèn từ Trung Quốc và Triều Tiên chế tác, làm bằng thép luyện, có dáng thẳng, hai lưỡi. Sau đó người Nhật cũng học theo các mẫu này. Quan chức và chỉ huy thường đeo các loại gươm quý tượng trưng cho quyền lực và sự uy nghiêm của tầng lớp thống trị phong kiến.
2. Gươm Nhật cổ (Koto – từ thế kỉ X đến thế kỉ XVI)
Xã hội Nhật Bản bị chiến tranh làm phân hóa sâu sắc. Đàn ông khỏe mạnh biết võ nghệ, đặc biệt là kiếm thuật, trở thành đối tượng cả xã hội tôn sùng. Đương nhiên, thanh kiếm Samurai cũng được lên ngôi. Nó trở thành vật bất ly thân của các võ sỹ Nhật Bản. Gươm Nhật lúc này rất dài, khoảng 1,22m (chỉ tính phần lưỡi), có dáng cong và lưỡi đơn thay cho kiểu Trung Quốc cũ. Khoảng đầu thế kỉ thứ X, nhà luyện kiếm Yasutsana ở Hoki đã chế ra những thanh gươm Samurai có chất lượng tuyệt hảo nhất, được cả thế giới biết tiếng.
3. Gươm Nhật thời cận đại (Shinto)
Gươm mất đi dần giá trị sử dụng và sự ưu ái trên đất Nhật so với thời kỳ trước vì nội chiến đã chấm dứt. Chiều dài kiếm giảm đi, phần lưỡi chỉ còn 60cm. Tính nghệ thuật được đặt lên hàng đầu. Thanh gươm trở thành vật trang trí, trưng bày, tôn lên vẻ đẹp oai phong và sức mạnh quyền lực của đẳng cấp Samurai. Người ta trang trí lên đó đủ thứ hoa văn rồng phượng, thậm chí cả hình phong cảnh núi Phú Sỹ – biểu tượng của xứ sở Phù Tang. Hơn một nửa số gươm Samurai của Nhật được ra đời trong thời kỳ này.
4. Gươm hiện đại (Shin – shinto)
Sức mạnh phong kiến và quyền uy đẳng cấp Samurai đã đến hồi kết. Quá khứ huy hoàng của gươm võ sỹ đạo cũng chỉ còn là “vang bóng một thời”. Các thợ rèn gươm xưa chuyển sang làm cuốc xẻng, dao kéo để kiếm kế sinh nhai. Gươm Nhật trở thành biểu tượng quyền uy của lực lượng quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản.
Đồng thời gươm Nhật cũng trở thành món hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu như một thứ của lạ của quốc đảo hoa anh đào. Mặc dù sách vở đề cập nhiều đến chế tác kiếm và văn hóa dùng kiếm của Nhật nhưng chẳng có ông thợ rèn nào “đơn phương” nổi tiếng. Vì công nghệ hiện đại đã được áp dụng để sản xuất đại trà thay cho kiểu thủ công trước đây. Chúng không phải là những thanh gươm báu. Và cũng chẳng ai công nhận đó là những thanh gươm võ sỹ đạo thực thụ.
Theo truyền thuyết, Amakumi – người thợ rèn nổi tiếng vùng Yamato, đã chế tạo ra thanh gươm võ sỹ đạo đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản vào thế kỷ VII. Amakumi và con trai chuyên rèn gươm (theo kiểu mẫu Trung Quốc) cho các chiến binh trong vùng. Nhận thấy gần một nửa số gươm mang về từ chiến trận đã bị gãy, họ làm lễ cầu nguyện các thần Shinto 7 ngày đêm.
Sau đó Amakumi họ chọn ra loại quặng tốt nhất để đưa vào tôi luyện. Cuối cùng họ cho ra sản phẩm là một thanh gươm cong lưỡi đơn. Hiệu quả chiến đấu của thanh gươm này đã mạnh lên rất nhiều. Các chiến binh trong vùng đã trở về trong chiến thắng với những thanh gươm nguyên vẹn.
Nghệ thuật chế tác gươm Samurai
Fujiyasu Masahira là một nhà chế tác gươm Nhật theo lối truyền thống hiện đang sống ở thành phố Fukushima, miền Bắc Nhật Bản với vợ, 5 đứa con và các gia đình. Ông có một phong cách sống và làm việc thuần túy theo truyền thống của người Nhật.
Việc chế tạo gươm của ông Fujiyasu bắt đầu từ quặng oxit sắt và than củi (loại than này phải do tự tay ông làm ra). Quặng oxit sắt được nung trong một lò nhỏ. Thép được luyện thành gọi là Tamahagane, một loại thép không đồng tính với mật độ cacbon không dàn đều. Lượng cacbon đã được điều chỉnh với chỉ số hàm lượng phù hợp bằng phương pháp oxi hóa.
Khi đã đủ thép đạt tiêu chuẩn về hàm lượng cacbon, chúng sẽ được liên kết với nhau để chế tạo phần thân kiếm. Các mẩu thép được gói bằng giấy rồi bọc trong một lớp đất sét dẻo trước khi đưa vào nung tiếp trong lò. Khi nung đến nhiệt độ thích hợp, những mẩu thép này được kết dính với nhau bằng những nhát búa mạnh.
Thép vẫn tiếp tục được làm như vậy. Thỉnh thoảng thép nóng lại được vùi trong tro rơm cháy để chống quá trình oxi hóa cacbon. Vì thép có cacbon quá nhiều thì gươm cứng và dễ gãy, cacbon quá ít thì gươm sẽ sắc nhưng không cứng. Họ cũng cho vào rơm một lượng nhỏ silicon, chúng sẽ tan luôn vào trong thép luyện.
Họ cứ tôi luyện như vậy, thép được dát mỏng rồi lại thu lại thành cục nhiều lần. Lần cuối cùng người ta dát mỏng thành hình chữ U. Một mẩu thép mềm được đặt vào bên trong chữ U này để tạo nên độ đàn hồi tốt cho gươm. Thanh thép này được nung thêm nhiều lần và tạo thành hình một Sunobe (dạng thô của gươm).
Thép được làm bằng cách nung nóng rồi lại trầm trong nước để làm lạnh. Họ làm như vậy cho đến khi cấu trúc dạng tinh thể của thép phải thay đổi. Có 2 loại nước làm lạnh: nước ấm và nước lạnh. Nếu làm lạnh nhanh thì thép sẽ cứng. Một điều đặc biệt là luyện thép phải làm vào ban đêm để có thể quan sát được màu đỏ của sắt nung. Có như thế mới duy trì đúng nhiệt độ phù hợp.
Bí quyết truyền thống để chế một chiếc gươm Nhật hoàn hảo là ở nghệ thuật đắp thêm đất sét vào bên ngoài mẫu thép. Trước khi tôi luyện, họ phủ một lớp đất sét dày lên phần lưng gươm và phủ lớp mỏng trên phần lưỡi cắt. Làm như vậy, phần lưng sẽ cứng vì có hàm lượng cacbon cao, phần lưỡi sẽ rất sắc và đàn hồi tốt vì hàm lượng cacbon ít.
Công đoạn tiểu tiết còn lại được làm bằng những con dao cứng cực sắc. Đôi khi người ta còn tạo những đường rãnh trên gươm trước hết để tiết kiệm thép mà vẫn giữ độ cứng theo nguyên tắc vật lý, sau đó là tăng khả năng sát thương cho kiếm. Đây là một trong những đặc thù nổi bật của gươm Samurai.
Đến đây thì công việc kể như đã hoàn tất 90%, công đoạn tiếp theo chỉ là đánh bóng, trang trí, làm đốc gươm, làm sắc phần lưỡi bằng đá mài. Việc này thuộc chuyên môn của những người thợ khác. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ Trung – Nhật cũng biến thiên khi nóng khi lạnh… Dù quan hệ chính trị ra sao thì không còn ai dám nghi ngờ giá trị đích thực của thanh gươm võ sỹ đạo Nhật Bản.
Người chơi gươm ở Mỹ và châu Âu không câu nệ việc chúng đã được sử dụng vào việc gì. Họ chỉ xem các thanh gươm này là những món đồ cổ mang đậm chất văn hóa và tinh thần thượng võ của tính cách Nhật Bản, là sự hiện diện của một quốc gia có lịch sử mang đặc trưng ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh cát cứ liên miên.
Theo thống kê có khoảng một triệu rưỡi thanh gươm được dùng trong thế chiến thứ II. Một phần ba số đó có chiều dài 60cm. Như là một nghịch lý thú vị, hiện nay ở Mỹ lại có nhiều gươm Samurai hơn ở Nhật Bản, với số lượng khoảng từ 250.000 đến 350.000 chiếc, trong khi Nhật Bản chỉ có dưới 100.000 chiếc.
Ở Mỹ, phần lớn chúng là những thanh kiếm dài do binh lính Mỹ đem về làm kỷ niệm từ mặt trận châu Á Thái Bình Dương sau khi Thế chiến thứ II kết thúc. Phần còn lại thông qua con đường mua bán không chính thức. Thăm phòng của ông William Sheldon, bang Florida, người ta có cảm giác như đang lần lại trang sử nước Nhật. Các thanh gươm gồm đủ chủng loại: lớn, nhỏ, ngắn, dài, hoặc hoa văn hoặc đơn điệu; chiếc cong chiếc thẳng… phản ánh lịch sử các triều đại phong kiến Nhật.
Ông Sheldon là một cựu binh Mỹ từng tham gia Đại chiến thế giới lần II ở Phillipin. Ông say mê với nghề sưu tập kiếm Nhật cổ từ sau lần tình cờ lượm được một thanh gươm Nhật cổ ở đảo Sama. Ở Mỹ cũng có nhiều người chơi gươm Nhật cổ nhưng ít có ai sở hữu một bộ sưu tập lớn như ông. Phòng gươm của ông Sheldon có khoảng hơn 150 chiếc. Có những thanh gươm trị giá hàng trăm ngàn USD…
Theo Tiêu Dùng
Leave a Reply